Tổng quan về huyện Hoằng Hóa

Đăng lúc: 14:16:58 07/03/2016 (GMT+7)

Hoằng Hoá hiện được đánh giá là một trong những huyện đi đầu của Thanh Hoá về phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện dại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong giai đoạn 1991 - 2002, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng của nhóm hàng nông - lâm - ngư nghiệp trong GDP của huyện đã giảm từ 70,3% xuống 51%; nhóm ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng từ 13,7% lên 29,7%; thương mại - dịch vụ từ 16% tăng lên 19,3%... Trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được, trong những năm tiếp theo, Hoằng Hoá tập trung phát triển nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia cầm theo phương pháp công nghiệp, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

 Hoằng Hóa là một huyện đồng bằng ven biển, phía Ðông giáp biển, phía Bắc giáp huyện Hậu Lộc, phía Tây giáp huyện Thiệu Hóa, Yên Ðịnh và Vĩnh Lộc, phía Nam giáp huyện Quảng Xương, thành phố Thanh Hóa và một phần huyện Ðông Sơn. Với ưu thế về vị trí địa lý cùng tiềm năng về đất đai, tài nguyên và con người, trong những năm đổi mới, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hoá đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển công nghiệp, ngành nghề.

Tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế

Với số dân 249.594 người sinh sống trên diện tích 224.580 ha, huyện Hoằng Hoá được coi là một huyện đất rộng người đông, giàu tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, trong những năm qua, cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ (tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 9,8%), cơ cấu kinh tế huyện Hoằng Hoá nói chung, cơ cấu nông nghiệp nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng toàn diện, đa dạng hoá sản phẩm và từng bước gắn với nhu cầu của thị trường. Trong trồng trọt, cơ cấu giống cây trồng được chuyển đổi mạnh mẽ. Các giống lúa cũ, thoái hoá, cho năng suất thấp được thay thế bằng các giống lúa mới cho chất lượng cao như: F1, F2, Bắc Ưu 903... Cơ cấu trà vụ cũng được bố trí hợp lý, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh được chú trọng. Do vậy, kết thúc niên vụ 2002, tổng sản lượng lương thực đạt 110.000 tấn vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra và đạt cao nhất từ trước tới nay. Các loại cây màu khác như: ngô lai, lạc giống mới, vừng, đậu tương... cũng tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất lúa giống và lúa hàng hoá như Hoằng Ðồng, Hoằng Minh, Hoằng Quỳ... Ngoài cây lúa, ở nhiều vùng đã đưa những cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: trồng dưa chuột xuất khẩu ở Hoằng Xuân, trồng lạc ở Hoằng Ðông, Hoằng Ðạo, trồng vừng ở Hoằng Kim, Hoằng Quỳ...

Cùng với sự lớn mạnh của ngành trồng trọt, một hướng đi mới đang mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều địa phương và các hộ gia đình, đó là phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại kết hợp với kinh tế vườn đồi, trong đó phát triển nhanh trang trại chăn nuôi bò, lợn hướng nạc và gà. Tập quán chăn nuôi sản xuất nhỏ, coi chăn nuôi là kinh tế phụ trong gia đình nay đã chuyển sang sản xuất hàng hoá, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, nâng giá trị thu nhập từ chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp lên 33%. Theo thống kê của Uỷ ban nhân dân huyện Hoằng Hoá, hiện nay, toàn huyện có 30 trang trại đang được đưa vào chăn nuôi (trong đó có 24 trang trại chăn nuôi gia cầm, 6 trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc) và 9 trang trại đang tiếp tục đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chế biến thức ăn gia súc, chế biến thịt lợn xuất khẩu, sản xuất lợn giống tư nhân được hình thành, cải tạo, nâng cấp và đầu tư đổi mới thiết bị.

Bên cạnh phát triển chăn nuôi, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hoá còn biết tận dụng lợi thế và khai thác nguồn lợi từ biển để phát triển kinh tế thuỷ sản. Thực hiện Nghị quyết số 02 của Huyện uỷ và đề án của Uỷ ban nhân dân huyện, đến nay, toàn huyện đã phát triển gần 470 tàu thuyền khai thác đánh bắt hải sản, đưa 1.263 ha diện tích vùng nước mặn, lợ vào nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 950 ha được quy hoạch nuôi tôm sú (210 ha nuôi tôm sú bằng phương pháp bán thâm canh, 233,4 ha nuôi tôm sú bằng phương pháp quảng canh cải tiến cho năng suất bình quân 400kg/ha). Ðặc biệt, năm 2002 huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình nuôi tôm sú bằng phương pháp nuôi công nghiệp ở xã Hoằng Phụ với diện tích 106 ha. Do vậy, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện đạt hơn 7.800 tấn các loại (trong đó sản lượng khai thác đạt 5.000 tấn, nuôi trồng đạt 2.800 tấn), sản lượng tôm đạt 1.100 tấn cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho trên 6.500 lao động.

Không chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp, Hoằng Hoá còn là địa phương đã tạo được bước đột phá trong phát triển công nghiệp, ngành nghề. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-HU và Kế hoạch số 234 của Uỷ ban nhân dân huyện, công nghiệp, ngành nghề ở Hoằng Hoá đã có bước phát triển khá. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã chuyển dần sang sản xuất hàng hoá, sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản tăng nhanh. Thị trấn, thị tứ, cụm công nghiệp, làng nghề từng bước được hình thành. Giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất: từ 39,162 tỷ đồng, chiếm 7,5% (năm 1997) tăng lên 94,496 tỷ đồng, chiếm 10,8% vào năm 2002, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động mỗi năm.

Hoằng Hoá có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ công nghiệp, ngành nghề: sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản rất phong phú, đa dạng; trữ lượng tài nguyên thiên nhiên tương đối lớn (cát xây dựng có khả năng khai thác 200.000 m3/năm, sản xuất gạch, ngói 50 triệu viên/năm); kết cấu hạ tầng thuận lợi (hệ thống lưới điện quốc gia với 94 trạm tiếp áp hạ thế, hệ thống trung thế có dung lượng gần 9.000 kVA phủ kín 100% số xã, thị trấn, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất trên địa bàn). Nhiều ngành nghề có chiều hướng ổn định và phát triển. Theo thống kê của Uỷ ban nhân dân huyện Hoằng Hoá, ngành chế biến nông sản thực phẩm với quy mô sản xuất như hiện nay đã chiếm tỷ trọng 28,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp ngành nghề của huyện. Ngành chế biến lâm sản như mây tre đan, hàng mộc dân dụng được duy trì và ngày càng mở rộng. Nghề dệt may được khôi phục. Bên cạnh đó, huyện còn mở thêm nghề dệt thảm, chiếu cói vì mặt hàng này có thị trường tương đối ổn định, có khả năng chiếm tỷ trọng tới 10%. Ngành vật liệu xây dựng đã đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng cơ bản. Nhiều xã đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành nghề phát triển, từ việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, quy hoạch các điểm tập trung công thương, khôi phục nghề truyền thống, đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ...

Là một huyện đất rộng người đông, nên việc xây dựng nguồn thu ngân sách tại địa phương được các cấp uỷ, chính quyền huyện Hoằng Hoá rất quan tâm. Nếu như năm 1999 tổng thu ngân sách huyện đạt 10.052 triệu đồng và tổng thu ngân sách xã đạt 19.000 triệu đồng thì đến năm 2002 chỉ số trên là 11.500 triệu đồng và 32.000 triệu đồng, đạt và vượt kế hoạch giao, phản ánh đúng sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn. Cấp uỷ, chính quyền các xã đã nhận thức đúng đắn về Luật ngân sách nhà nước cũng như vai trò, nhiệm vụ của địa phương mình.

Ngành giáo dục - đào tạo tiếp tục giữ vững danh hiệu đơn vị tiên tiến cấp tỉnh. Hoạt động y tế, chăm lo sức khoẻ cộng đồng được chú trọng cả về công tác khám, chữa bệnh và tăng cường phòng, chống dịch bệnh từ tuyến cơ sở đến huyện, tỷ lệ tăng dân số của huyện giảm 0,03% so với năm 2001. Quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện được tăng cường, trật tự trị an luôn giữ vững, tình hình chính trị luôn ổn định.

Ðịnh hướng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2005 và năm 2010

Trong kinh tế thị trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trở thành một trong những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Ðể tạo được sự chuyển dịch cơ bản theo hướng tích cực, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện có gần 25 vạn dân như Hoằng Hoá, thì những kết quả đạt được trong hơn 10 năm qua mới chỉ được coi là giai đoạn đầu (giai đoạn khởi động) của sự phát triển.

Thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XXIII, phát huy truyền thống đoàn kết giữa cấp uỷ, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi thử thách, phát huy nội lực, khai thác các nguồn ngoại lực nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Huyện Hoằng Hoá tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh và bền vững. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp thành sản xuất hàng hoá, với tốc độ tăng trưởng nhóm hàng nông - lâm - thuỷ sản đạt 5,8% thời kỳ 2001 - 2005 và 3,5% thời kỳ 2006 - 2010. Chỉ tiêu xuất khẩu hàng hoá đến năm 2005 đạt 10 triệu USD. Ðảm bảo an ninh lương thực, đồng thời hình thành vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, nâng giá trị sản xuất bình quân trên một hécta canh tác lên trên 28 triệu đồng và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra bước phát triển nhanh trong sản xuất nông - công - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Gắn tăng trưởng kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái. Giải quyết tốt những vấn đề xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Trên cơ sở xác định chăn nuôi là một trong những thế mạnh của Hoằng Hoá, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi toàn diện, vững chắc cả đại gia súc và tiểu gia súc, trong đó trọng tâm là phát triển đàn bò, đàn lợn và đàn gia cầm. Chú trọng chăn nuôi hộ gia đình với quy mô vừa, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và trang trại (năm 2005, mỗi xã ít nhất phát triển được 7-10 trang trại và đến năm 2010 có khoảng 15 - 20 trang trại ở mỗi xã, thị trấn). Phấn đấu đưa ngành chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, nâng tỷ trọng từ 33,8% (năm 2001) lên 40% (năm 2005) và đến năm 2010 đạt 50% trở lên trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Phát triển đàn bò, đàn lợn, đàn gia cầm, trong đó đàn bò là 18.500 con năm 2005 và 24.000 con năm 2010; đàn lợn là 110.000 con năm 2005 và 160.000 con năm 2010, đàn gia cầm 1.150.000 con năm 2005 và 1.500.000 con năm 2010.

Ðể phát huy lợi thế và tạo bước đột phá mới trong phát triển công nghiệp, ngành nghề, Uỷ ban nhân dân huyện cũng đã có kế hoạch cụ thể trong giai đoạn 2001 - 2005 và giai đoạn 2006 -2010. Theo đó, mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2005 đạt giá trị sản xuất 225,813 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 26,4%/năm và chiếm tỷ trọng 37% trong cơ cấu kinh tế huyện; năm 2010 đạt 353,855 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40 - 45%. Xây dựng một số cơ sở công nghiệp mới, một số làng nghề trọng điểm, xây dựng các khu tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề gắn với thương mại. Ðẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa tỷ trọng dịch vụ - thương mại trong cơ cấu kinh tế lên 23% năm 2005 và đến năm 2010 là 30%.

Với những chủ trương và biện pháp thích hợp, mục tiêu hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn bằng chính nội lực và những bước đi hợp lý, chắc chắn kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngành nghề ở Hoằng Hoá sẽ có bước phát triển mới, vững chắc và toàn diện, góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tên gọi Hoằng Hóa qua các thời kỳ lịch sử

Thời Ðinh - Lê gọi là giáp Cổ Hoằng, thời Lý - Trần gọi là Cổ Ðằng, thời nhà Hồ đổi là huyện Cố Linh, thời thuộc Minh gọi là huyện Cố Ðằng. Ðến thời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Ðức thứ nhất (năm 1470) đổi thành huyện Hoằng Hoá. Dưới thời Minh Mạng (năm 1838), một số làng, tổng ở phía Bắc được cắt ra cùng với tổng Ðại Ly ở huyện Hậu Lộc lập nên huyện Mỹ Hoá do huyện Hoằng Hoá kiêm nhiệm.

 Ðầu thế kỷ XX, huyện Mỹ Hoá giải thể, các làng, tổng trên lại nhập về Hoằng Hoá. Từ đó địa giới Hoằng Hoá ổn định cho đến ngày nay. Ðịa hình tự nhiên và đất đai Hoằng Hoá được chia thành ba vùng rõ rệt: 17 xã phía Bắc huyện thuộc tả ngạn sông Tuần và sông Mã là vùng đất thích hợp với canh tác lúa nước hai vụ chính; 22 xã vùng giữa và phía Nam huyện thuộc hữu ngạn sông Tuần và tả ngạn sông Mã phần lớn đất cát pha, thích hợp thâm canh cây lúa và màu; 8 xã vùng biển ở phía Ðông sông Cung hầu hết là đất cát, vừa sản xuất nông nghiệp vừa làm nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản. 

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
362261